Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực với nhiều thay đổi mới trong phân hạng giấy phép lái xe, bao gồm 15 loại giấy phép lái xe mới: A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E. So với luật hiện hành, luật mới tăng thêm 2 hạng.
Chi tiết 15 loại giấy phép lái xe mới và quy định liên quan
Trong đó, giấy phép hạng A1 sẽ cấp cho người lái môtô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm³ hoặc công suất động cơ điện đến 11 kW. Hạng A sẽ dành cho người lái môtô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm³ hoặc công suất động cơ trên 11 kW, bao gồm cả các loại xe được quy định cho giấy phép lái xe hạng A1. Hạng B1 sẽ cấp cho người lái môtô ba bánh và các loại xe tương đương với giấy phép hạng A1.
Đối với ôtô, giấy phép hạng B sẽ dành cho người lái xe chở đến 8 người (không tính chỗ lái xe) và ôtô tải, xe chuyên dùng đến 3,5 tấn. So với Luật Giao thông đường bộ 2008, hạng B hiện nay gộp giữa bằng B1 (dành cho người không hành nghề lái xe điều khiển ôtô đến 9 chỗ ngồi và xe tải dưới 3,5 tấn) và bằng B2 (dành cho người hành nghề lái xe điều khiển xe đến 9 chỗ ngồi và xe tải dưới 3,5 tấn).
Giấy phép lái xe hạng C trước đây dành cho xe tải từ 3,5 tấn trở lên sẽ được tách thành C1 (dành cho xe tải từ 3,5-7,5 tấn) và C (trên 7,5 tấn). Hạng D trước đây dành cho xe chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi sẽ được chia thành D1 (8-16 chỗ ngồi, không tính chỗ lái xe) và D2 (16-29 chỗ ngồi), còn hạng D sẽ dành cho xe chở trên 29 chỗ ngồi.
Giấy phép lái xe hạng BE sẽ cấp cho người lái các loại ôtô thuộc hạng B kéo theo rơ moóc có khối lượng thiết kế trên 750 kg. Tương tự, các hạng C1E, CE, D1E, D2E, DE sẽ dành cho người lái các loại ôtô thuộc hạng C1, C, D1, D2, D kéo theo rơ moóc có khối lượng thiết kế trên 750 kg.
Việc tăng lên 15 loại giấy phép lái xe mới theo quy định
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh từ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, giải thích việc tăng số loại giấy phép lái xe từ 13 lên 15 nhằm tương thích với Công ước Viên 1968 và quy định của nhiều quốc gia khác. Các phân hạng giấy phép hiện tại của Việt Nam chưa tương thích về dung tích xi lanh, số chỗ ngồi, khối lượng phương tiện, và chưa phân hạng rõ ràng cho xe điện, ôtô mini buýt, xe tải cỡ nhỏ.
- Luật mới bổ sung thêm 2 hạng giấy phép lái xe, nâng tổng số từ 13 lên 15, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
- Giấy phép hạng A1, A, B1 không thời hạn; hạng B và C1 thời hạn 10 năm; hạng C, D1, D2, D và các giấy phép lái xe rơ moóc chỉ 5 năm.
Độ tuổi được phép lái xe
- Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy (dung tích dưới 50 cm3; động cơ điện không lớn hơn 4 kW).
- Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1.
- Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE.
- Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE.
- Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE.
Quy định đối với giấy phép đã cấp
- Giấy phép lái xe máy, ôtô được cấp trước ngày Luật có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng bình thường theo thời hạn ghi trên giấy phép.
- Khuyến khích đổi giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012.
Quy định đổi, cấp lại giấy phép
- Người có giấy phép hạng A1 (theo Luật giao thông đường bộ 2008) được chuyển sang hạng A, song chỉ được điều khiển xe môtô đến 175 cm3 hoặc động cơ điện đến 14 kW.
- Hạng A2 được đổi sang hạng A; hạng A3 được đổi sang hạng B1.
- Người có giấy phép hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang hạng B, song chỉ được điều khiển ôtô số tự động.
- Hạng B1, B2 được đổi sang hạng B và C1.
- Hạng C được đổi cùng loại.
- Hạng D được đổi, cấp lại sang hạng D2.
- Hạng E được đổi, cấp lại sang hạng D.
- Hạng FB2 được đổi, cấp lại sang C1E…
Trừ điểm giấy phép lái xe khi vi phạm
Theo luật mới, mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm. Khi tài xế vi phạm, điểm sẽ bị trừ tương ứng với mức độ vi phạm. Thông tin về việc trừ điểm này sẽ được cập nhật vào hệ thống dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực, và thông báo cho người vi phạm.
Nếu trong vòng 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất mà tài xế không vi phạm thêm, giấy phép sẽ được phục hồi đủ 12 điểm. Nếu điểm số bị trừ hết, người đó sẽ không được phép lái xe theo loại giấy phép đó. Sau ít nhất 6 tháng từ khi bị trừ hết điểm, tài xế phải tham gia kiểm tra kiến thức về luật giao thông. Nếu đạt yêu cầu, giấy phép sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.
Theo Bộ Công an, biện pháp này nhằm quản lý tài xế từ lúc đào tạo, cấp giấy phép đến quá trình chấp hành luật giao thông. Mục đích là nâng cao ý thức và giám sát quá trình tuân thủ luật của tài xế sau vi phạm.
Để thực hiện, Chính phủ sẽ ban hành các quy định chi tiết về thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục trừ điểm và phục hồi giấy phép, cùng với danh sách các hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Chưa nộp phạt nguội, tài xế không được cấp đổi giấy phép lái xe
Theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tài xế chưa chấp hành xử lý vi phạm hành chính do vi phạm giao thông sẽ không được cấp, đổi hoặc cấp lại giấy phép lái xe.
Giấy phép lái xe có thể được cấp đổi hoặc cấp lại trong các trường hợp sau: giấy phép bị mất, hỏng không sử dụng được, hết hạn theo thời hạn ghi trên giấy, thay đổi thông tin ghi trên giấy phép, giấy phép lái xe nước ngoài còn hiệu lực sử dụng, giấy phép do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc khi người được cấp không còn nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Giấy phép lái xe sẽ bị thu hồi trong các trường hợp như: người sở hữu giấy phép không đủ điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ sở y tế, giấy phép được cấp sai quy định, giấy phép đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, người vi phạm không đến nhận giấy phép mà không có lý do chính đáng cũng sẽ bị thu hồi.
Hiện nay, ngành giao thông đang quản lý 55,6 triệu giấy phép lái xe, bao gồm cả ô tô và xe máy. Trong đó, khoảng 22 triệu giấy phép mô tô không thời hạn bằng vật liệu giấy (các loại bằng A1, A2 và A3) được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2012 cần được đổi sang thẻ nhựa (PET) để tích hợp vào hệ thống VNeID.